Ý kiến của sinh viên Nguyễn Tuyết Ngân - K57A2
Hội nghị khoa học sinh viên là một cơ hội lớn với tất cả các sinh viên. Theo đó, mỗi sinh viên sẽ có cơ hội vận dụng những kiến thức đã được học ở trên lớp để bày tỏ đam mê nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của các giảng viên trong khoa. Điều này sẽ giúp sinh viên tham gia có cơ hội chứng tỏ bản thân, học hỏi và phấn đấu để tự tin hơn, cũng như được nhận những lời góp ý chân tình và thẳng thắn từ các thầy cô trong hội đồng khoa học, giúp bản thân nhận ra điểm mạnh và điểm yếu, và những gì cần cố gắng có thể phát triển đề tài của mình nhiều hơn nữa. Đây là việc mà khi đứng trên giảng đường với nhiều sinh viên và các bài giảng, ta không thể nhận được từ các thầy cô. Xét về nhiều mặt, hội nghị khoa học sinh viên theo tôi, là một cơ hội không nên bỏ qua. Từ giờ cho tới lúc hội nghị năm nay được tổ chức, tưởng như còn lâu mà thật ra cũng chẳng còn mấy thời gian chuẩn bị nữa, vì khoa học rất đẹp và kỳ bí, điều bí ẩn làm nên vẻ đẹp của nó cũng chính là thách thức cho mỗi chúng ta. Nếu không tiếp cận đúng cách, rất có thể ta sẽ bị sự mênh mông của tri thức làm lạc hướng.
Vì thế, điểm đầu tiên cần chú ý, đó là nếu muốn có một bản báo cáo khoa học thành công, hãy đầu tư cho nó thời gian, công sức và trí óc của bạn. Đừng chần chừ, nghĩ rằng mình chưa có khả năng tìm hiểu về nó. Bác Hồ đã dạy, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Nếu có vấn đề khiến bạn quan tâm và yêu thích, hãy tìm hiểu về nó ngay từ bây giờ. Từ những thứ gợi mở cho bạn hướng đến nó, dần dần tới những phần đi vào nền vấn đề, rồi đi sâu hơn, mỗi ngày một chút, dần dần bạn sẽ thấy đề tài đó là một phần quen thuộc trong cuộc sống của bạn, không còn khó khăn để bắt đầu làm những việc lớn hơn hay là thấy việc phải đọc nhiều tài liệu là khó chịu nữa. Thầy chủ nhiệm lớp tôi vẫn hay nói, mỗi ngày, hãy học thêm gì đó mới. Thay đổi thói quen, nó sẽ thay đổi việc nghiên cứu của bạn.
Như vậy điều cần thiết tiếp theo chính là kiến thức để thu nhận. Đừng ngại đọc hay tìm hiểu những thứ chưa biết, khi thấy gì đó mới lạ, đừng sợ nó “khó”. Chưa biết thì khó, biết rồi khắc sẽ quen dần, quan trọng là cần dung cảm để đón nhận nó. Có thể không phải đồng chí nào ngồi đây cũng thông thạo việc đọc tiếng Anh, nhưng đừng ngần ngại, vì nếu từ chối các tài liệu bằng tiếng nước ngoài chính là bỏ đi nguồn tài nguyên vô giá. Nếu chưa quen, hãy đọc và đoán ý, vừa đọc, vừa vận dụng những cái đã biết để hiểu, dần dần sẽ thấy có những từ tiếng Anh mà bạn không thể dịch nghĩa, nhưng lại hiểu nó rõ hơn nhiều từ Tiếng Việt khác. Thời đại công nghệ thông tin cho chúng ta một lợi thế về nguồn tư liệu, cũng như có thể đọc để quen dần với nội dung của các bài báo khoa học. Tuy nhiên, quá nhiều cũng có thể khiến ta bị “ngợp”, và khó tìm ra vàng trong mỏ quặng.
Đó là lý do mà khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, từ các anh chị khóa trên hoặc người quen, và hãy tự tin lên nếu thấy mình có đủ khả năng – hãy mạnh dạn bày tỏ mong muốn của mình với một thầy cô trong khoa nào đó mà bạn thích. Được thầy cô hướng dẫn thì còn gì bằng, là người đi trước và hiểu vấn đề sâu sắc hơn chúng ta, các thầy cô có thể cho bạn cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn về vấn đề, cũng như giới thiệu cho bạn những tài liệu đáng đọc, nhưng điểm đáng lưu tâm. Và điều đó cũng sẽ cho bạn một áp lực để phấn đấu – khi cho thầy cô hướng dẫn, bạn không thể bỏ cuộc dễ dàng được. Tuy vậy, cũng không được vì thế mà ỷ lại vào giáo viên – các thầy chỉ cho ta cần câu, còn câu được cá hay không là phụ thuộc vào bản thân chúng ta. Thầy có giỏi tới đâu đi nữa, hay bày sẵn cho ta tới đâu, thì nếu không tự mình hình dung ra được báo cáo khoa học mình sẽ có, nó sẽ không bao giờ được trở thành một công trình thực thụ.
Nếu đã chuẩn bị tốt các điều trên thì hãy tự tin lên và đừng ngại ngần, một khi tri thức đã trở thành dữ liệu của chính ta thì tinh chế nó thành những viên ngọc quý, cũng sẽ ổn thôi. Trước ngày tham gia hội nghị, hãy chuẩn bị bài thuyết trình thật kĩ và đừng quá lan man, vạch ra một dàn ý đi vào trong tâm vấn đề và tập nói trước ở nhà, như vậy sẽ không bị “cuống” khi đứng trước hội đồng. Và có thể nhờ những người bạn tin tưởng đặt ra các câu hỏi, các tình huống sau khi nghe bạn trình bày xong, như vậy, sẽ chuẩn bị được tâm lý trước mọi việc có thể xảy ra. Điều cuối cùng tôi muốn nói trong bài tham luận này, đó là hãy yêu, hãy say mê những gì bạn đang học và nghiên cứu. Một cách tự nhiên, khoa học có thể làm nên những điều kì diệu, và càng tìm hiểu sâu về nó, bạn sẽ càng thấy nó có nhiều mặt tuyệt vời hơn những gì bạn đã thấy. Một khi đã yêu, đã say mê, thì việc cho ra đời và rồi bảo vệ cho đứa con tinh thần của mình – bản báo cáo dành cho hội nghị khoa học sắp năm nay của khoa Toán – Cơ – Tin học, sẽ không còn gì là khó khăn nữa. Khi đó, tất cả những khó khăn phía trước sẽ đều trở thành bí ẩn ngọt ngào dành riêng cho niềm say mê khám phá, và hội nghị Khoa học sẽ là sự kiện mà bạn mong chờ.