I. Vài nét về bộ môn
Bộ môn toán sinh thái và môi trường được thành lập vào đầu thập kỷ 80, thời kỳ khó khăn nhất của đất nước nói chung và của khoa Toán - Cơ - Tin học nói riêng. Động lực thành lập bộ môn là trong tiến trình công nghiệp hóa, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng và vì vậy toàn thế giới quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó không thể bỏ qua vai trò của toán học.
Nắm bắt được xu thế đó, Ban chủ nhiệm khoa Toán – Cơ – Tin học quyết tâm thành lập nhóm nghiên cứu về vấn đề môi truờng. Tiền thân của Bộ môn Toán sinh là nhóm cán bộ gồm có GS Hoàng Hữu Như, PGS Chu Đức, CN. Trương Văn Diệm, CN. Đỗ Quang Vinh. Nhóm này được thành lập để kết hợp với GS Mai Đình Yên (khoa Sinh) nghiên cứu một số phương pháp toán để giải một số bài toán sinh thái trong khuôn khổ đề tài VH4. Chuyến đi công tác đầu tiên ở nước ngoài là của thày Diệm, đi Hà Lan, để nghiên cứu mô hình tăng trưởng của bọ xít. Đến 15/8/1985 , Chủ nhiệm Khoa lúc đó là GS Hoàng Hữu Như đã ký quyết định thành lập tổ bộ môn Toán Sinh do PGS Chu Đức làm tổ trưởng. Thành viên chính của Tổ lúc ấy là nhóm cán bộ kể trên và một số thành viên của tổ Toán cao cấp.
Có thể nói ngay ngày đầu thành lập, bộ môn gặp nhiều khó khăn như: thành lập vào thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, các cán bộ vừa phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học vừa phải bươn chải kiếm sống; hơn nữa các cán bộ trong bộ môn lại được điều chuyển từ nhiều tổ bộ môn khác nhau nên không cùng tiếng nói về chuyên môn. Vì là ngành hoàn toàn mới nên không có chuyên gia đầu đàn trong lúc đó các ngành toán khác đã phát triển đến thời kỳ rực rỡ. Hướng nghiên cứu khoa học lại chưa xác định, tài liệu không có trong lúc đó các ngành phi toán có liên quan, như sinh học, khoa học môi trường,vv... lại hoài nghi về tính thực tiễn của bộ môn. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của Khoa và sự quan tâm của các GS Hoàng Hữu Như, Trần Văn Nhung, sự nhiệt tình của PGS Chu Đức cùng với sự quyết tâm của các cán bộ trong bộ môn, tổ đã lớn mạnh lên và khẳng định được vị trí của mình. Ngay ngày đầu thành lập, tổ đã xác định nhiệm vụ đầu tiên là thu thập tài liệu, xâm nhập thực tế để xác định hướng nghiên cứu chung cho toàn tổ; viết giáo trình và đào tạo sinh viên chuyên ngành toán sinh. Cho đến nay tổ đã xác định được hướng đi và vai trò của tổ bộ môn trong việc áp dụng toán vào ngành môi trường trong và ngoài nước. Để có được những thành công đó, phải kể đến công lao của GS Trần Văn Nhung, PGS Chu Đức, với sự giúp đỡ của các giáo sư Hà Lan, Đức. Các giáo sư đã mang về cho bộ môn những tài liệu cũng như giáo trình giảng dạy đầu tiên và cùng với các thành viên trong tổ đã xây dựng hướng nghiên cứu chuyên ngành toán sinh, xây dựng các đề tài, soạn giáo trình cho sinh viên.
Ngày nay, ngành Toán học trong sinh thái-môi trường đã trở thành một trong những mũi nhọn nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Khoa. Đã có nhiều thành viên trong tổ công bố được các công trình về Toán-Sinh trên các tạp chí lớn của quốc tế và tạp chí chuyên ngành trong nước. Tổ cũng đã cho xuất bản một số sách dùng làm tài liệu học tập cho học sinh và chuyên khảo cho các nhà nghiên cứu.
Các cán bộ đã công tác tại bộ môn:
- Thày Hoàng Gia Khánh (đã nghỉ hưu)
- Thày Phạm Quang Đức (đã nghỉ hưu)
- TS. Nguyễn Viết Triều Tiên (đã nghỉ hưu)
- PGS.TS. Chu Đức (đã nghỉ hưu)
- ThS. Nguyễn Văn Toàn (đã mất
- GVC. Trương Văn Diệm (đã nghỉ hưu)
- ThS. Nguyễn Xuân Triểu (đã nghỉ hưu)
Các chủ nhiệm và phó chủ nhiệm bộ môn:
- GS.TS. Trần Văn Nhung từ 1992 đến nay
- PGS.TS. Chu Đức: Chủ nhiệm 1985-1992, Phó Chủ nhiệm 1997-2004.
- PGS.TS. Nguyễn Hữu Dư: Chủ nhiệm 1992, Phó Chủ nhiệm từ 2004 đến nay
- GS.TS. Nguyễn Hữu Dư là Chủ nhiệm BM, TS. Lê Đình Định là Phó Chủ nhiệm BM từ 2010.
II. Các đóng góp của bộ môn toán sinh thái môi trường
1. Về đào tạo
- Bộ môn là nơi duy nhất trong toàn quốc đào tạo sinh viên chuyên ngành toán sinh. Hiện bộ môn đã đào tạo được nhiều khóa sinh viên; nhiều sinh viên tốt nghiệp tại bộ môn phát huy tốt khi ra trường như: TS. Trịnh Tuấn Anh hiện là phó Phòng Đào tạo, Đại Học Sư Phạm Hà Nội, ThS. Trịnh Thanh Lâm là phó tổng đại diện Microsoft tại Việt Nam. Đỗ Trọng Quân, Tuấn là các nhà doanh nghiệp thành đạt tại Ba Lan. Các sinh viên giỏi được ký hợp đồng công tác tại Khoa và Bộ môn: Nguyễn Trọng Hiếu, Tạ Việt Tôn, Vũ Văn Khu.
- Các cán bộ của bộ môn tham gia giảng dạy cho nhiều khoa trong trường ĐHKHTN và các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Các cán bộ của bộ môn có mặt trong nhiều hội đồng chấm luận án thạc sỹ, tiến sỹ của các cơ sở đào tạo trong toàn quốc.
- Có nhiều cán bộ trong tổ đã hướng dẫn và đồng hướng dẫn thành công các luận án tiến sỹ, thạc sỹ.
- Đặc biệt có 1 luận án tiến sỹ chuyên ngành toán sinh của Trịnh Tuấn Anh, nguyên là sinh viên và nghiên cứu sinh của Bộ môn, được đánh giá cao.
2. Về nghiên cứu khoa học
- Hơn 60 bài báo khoa học của các cán bộ trong tổ được đăng trong các tạp trí trong và ngoài nước.
- Một số cán bộ được mời ra nước ngoài trao đổi khoa học, thuyết trình seminar, giảng dạy ở các trường đại học, viện nghiên cứu ở Mỹ, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Hungary, Liên Xô, Đan Mạch, Singapore, Italia, Nhật....
- Các cán bộ bộ môn chủ trì hoặc tham gia các đề tài quốc gia như:
- Đề tài Điều tra cơ bản vùng Tây Nguyên (1985)
- Bài toán sinh thái-môi trường vùng Hồ Sông Đà (1986)
- Mô hình Toán trong dịch tễ (1987)
- Đề tài phủ xanh đất trống đồi núi trọc
- Đề tài chống xói mòn vùng trung du
- Đề tài về sự phát triển của rừng ngập mặn ở Quảng Ninh
- Đề tài về quy hoạch nuôi tôm nước lợ ở Thái Bình
- Đề tài xử lý độ chua, mặn vùng đồng bằng Nam bộ (1999-2000)
- Đề tài thủy lợi
- Nhiều cán bộ đã chủ trì các đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài cấp Đại học Quốc gia và cấp trường.
3. Về ứng dụng
Các cán bộ bộ môn tham gia giải các bài toán thực tế:
- Xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Mô hình đánh bắt cá Hồ Tây
- Bài toán sinh thái-môi trường vùng hồ Sông Đà
- Nuôi tôm nước lợ ở Thái Bình
- Mô hình rừng ngập mặn
- Mô hình xói mòn và rừng ở Phú Thọ
- Các bài toán thủy lợi, đê điều
- Các bài toán xã hội học như phả hệ, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, ma túy,...
4. Giáo trình
- Hiện đã có các giáo trình cơ sở riêng cho sinh viên chuyên ngành Toán Sinh: Cơ sở Toán Sinh thái Môi trường của PGS.TS. Chu Đức
- Các giáo án về chuyên đề Toán Sinh
- Các sách tham khảo của Lê Đình Định, Nguyễn Hữu Dư, Trương Văn Diệm.
5. Các hướng nghiên cứu trong bộ môn
- Các bài toán về môi trường khí: nghiên cứu sự ô nhiễm khí.
- Các bài toán sinh thái nước: sự ô nhiễm nước
- Các bài toán sinh thái cạn, quan hệ giữa các quần thể, thú mồi
4. Các mô hình tất định và ngẫu nhiên trong Sinh thái-Môi trường
Sau 26 năm thành lập, Bộ môn Toán Sinh thái Môi trường đã có những tiến bộ vượt bậc, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Khoa. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa, ôn lại những thành tựu của Bộ môn, chúng tôi hy vọng rằng những cán bộ trẻ có năng lực sẽ kế tục xứng đáng và phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của Bộ môn.
DANH SÁCH CÁN BỘ ĐANG LÀM VIỆC Ở BỘ MÔN
GS.TS. Nguyễn Hữu Dư (Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Bộ môn), TS. Lê Đình Định (Phó Chủ nhiệm BM), ThS. Nguyễn Trọng Hiếu, ThS. Tạ Việt Tôn, ThS. Nguyễn Hải Đăng, CN. Vũ Văn Khu.
Biên soạn: GS.TS. Nguyễn Hữu Dư