Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là một trong số năm trường đại học được Nhà nước thành lập vào năm 1956 sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhằm đào tạo những cán bộ khoa học cơ bản phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong hai năm đầu, trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Sư phạm có chung khoa Toán-Lý. Năm 1958 khoa này tách thành hai bộ phận, một chuyển sang Đại học Sư phạm, một chuyển về Đại học Tổng hợp. Thời điểm này, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lập hai khoa: khoa Tự nhiên gồm Toán-Lý-Hoá-Sinh và khoa Xã hội gồm Văn-Sử. Khoa Tự nhiên do GS Lê Văn Thiêm làm chủ nhiệm.
Năm 1960 khoa Tự nhiên tách thành hai khoa Toán-Lý và Hoá-Sinh. Đến năm 1963, khoa Toán được tách ra thành một khoa độc lập với bốn bộ môn: Giải tích, Xác suất, Phương pháp tính và Cơ học. Do việc đào tạo cán bộ Cơ học dần dần khẳng định được vị thế quan trọng trong khoa, nên năm 1970 Khoa được đổi tên thành khoa Toán-Cơ.
Đến năm 1987 cùng với sự phát triển của ngành Toán học, Cơ học và Tin học, khoa đổi tên thành khoa Toán-Cơ -Tin học, cái tên được dùng cho đến tận ngày nay. Trong sự phát triển đi lên của khoa có sự đóng góp không nhỏ của Bộ môn Cơ học. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, những người viết bài này nêu một số nét chính của bộ môn trên các mặt:
- Tổ chức và nhân sự của bộ môn qua các thời kỳ
- Công tác đào tạo
- Nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tiễn
- Khen thưởng của Nhà nước đối với bộ môn
1. Tổ chức và nhân sự
Bộ môn Cơ học được thành lập năm 1963 với 8 thành viên chủ yếu gồm cán bộ vừa tốt nghiệp khoá 1, 2, 3 được giữ lại trường. Ở các năm tiếp theo, Bộ môn được thu nhận các cán bộ tốt nghiệp từ nước ngoài về và từ các khoá sau, cũng như sự thuyên chuyển cán bộ của Bộ môn đi nhận công tác khác. Do có sự tăng giảm về nhân sự và yêu cầu của công tác đào tạo, nên từng thời kỳ có sự tách-nhập trong Bộ môn.
- 1960-1963: Bộ môn Cơ học, chủ nhiệm: Ông Nguyễn Chi
- 1963-1970: Bộ môn Cơ học, chủ nhiệm: PGS Bùi Tường;
- 1970-1976: Bộ môn Cơ học, chủ nhiệm: PGS.TS. Phạm Hữu Vĩnh;
- 1976-1988: tách thành ba bộ môn:
- Cơ học Đại cương và Ứng dụng, chủ nhiệm: GS.TS. Lê Xuân Cận
- Cơ học Thuỷ khí, chủ nhiệm: PGS.TS. Phạm Hữu Vĩnh
- Cơ học Vật rắn biến dạng, chủ nhiệm: PGS.TS. Lê Minh Khanh;
- 1988-1992: thu thành hai bộ môn:
- Cơ học Đại cương và Ứng dụng, chủ nhiệm: GS.TS. Lê Xuân Cận
- Cơ học Môi trường liên tục, chủ nhiệm: GS.TSKH. Đào Huy Bích;
- 1992-2002: Bộ môn Cơ học, chủ nhiệm: GS.TSKH. Đào Huy Bích;
- 2002-2008: Bộ môn Cơ học, chủ nhiệm: PGS.TS. Đào Văn Dũng.
- 2008 đến nay: Bộ môn Cơ học, chủ nhiệm: PGS.TS. Phạm Chí Vĩnh.
Qua gần 50 năm tồn tại và phát triển, đã có nhiều cán bộ về làm việc tại bộ môn, cống hiến tài năng và sức lực thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của nhà trường là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhiều người gắn bó suốt cuộc đời với bộ môn, nhiều người được thuyên chuyển đi làm nhiệm vụ ở các cơ quan khác, nhưng đều có những kỷ niệm đẹp với bộ môn, nơi gắn bó tình đồng nghiệp, đồng chí. Ở đây chúng tôi muốn ghi lại sự có mặt của các cán bộ cơ học tại khoa và bộ môn:
- 1957: Ông Nguyễn Văn Chù
- 1959: Ông Bùi Tường, Ông Lê Minh Khanh, Ông Khúc Ngọc Khảm
- 1960: Ông Phạm Hữu Vĩnh, Ông Nguyễn Chi
- 1961: Ông Lê Xuân Cận
- 1962: Ông Nguyễn Đống
- 1963: Ông Nguyễn Văn Phó, Ông Nguyễn Văn Gia, Ông Nguyễn Ngọc Chất, Ông Vương Quốc Cường
- 1964: Ông Nguyễn Trường, Ông Nguyễn Xuân Bội
- 1965: Ông Đào Huy Bích, Ông Nguyễn Khắc Lân, Ông La Trung Quyền
- 1967: Bà Lê Thị Lan
- 1968: Bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Bà Đoàn Ái Thơ
- 1969: Ông Đặng Hữu Thịnh, Ông Nguyễn Văn Am, Ông Ngô Thành Phong
- 1970: Ông Trịnh Đình An, Ông Nguyễn Hàm Giá
- 1971: Bà Phạm Thị Oanh, Ông Hà Công Khanh, Bà Nguyễn Bích Tỵ, Ông Nguyễn Văn Tiên
- 1972: Ông Trần Văn Cúc, Ông Lê Văn Tâm, Ông Phạm Huyễn, Ông Trương Văn Diệm, Ông Trương Minh Chánh
- 1973: Ông Trần Lập, Ông Nguyễn Hữu Thành
- 1974: Ông Nguyễn Xuân Huy, Ông Trương An Quốc, Ông Phạm Toả
- 1975: Ông Nguyễn Nam Hải, Ông Thái Bá Cần
- 1976: Ông Nguyễn Công Hợp
- 1977: Ông Đào Văn Dũng, Ông Nguyễn Đình Việt
- 1978: Ông Dương Tất Thắng, Ông Lê Đức Minh
- 1979: Ông Nguyễn Quang Vinh, Bà Lâm Mai Phương
- 1980: Ông Phạm Sơn
- 1981: Ông Phạm Chí Vĩnh
- 1982-2000: 18 năm không được bổ sung cán bộ
- 2000: Ông Vũ Đỗ Long
- 2002: Ông Trần Văn Trản, Ông Nguyễn Đình Đức
- 2003: Ông Trần Thanh Tuấn, Ông Trần Phương
- 2004: Bà Giang Thanh Hà
- 2005: Ông Bùi Thanh Tú, Ông Lưu Quang Hưng
- 2006: Ông Nguyễn Xuân Nguyên
- 2008: Bà Nguyễn Thị Nhung
- 2009: Bà Nguyễn Thị Nam, Bà Nguyễn Thị Nga, Bà Nguyễn Thị Thủy.
Thời điểm bộ môn có số thành viên đông nhất gần 30 người là những năm 70. Sau đó có hai đợt thuyên chuyển lớn cán bộ của bộ môn: vào năm 1976 nhiều cán bộ Cơ học đã lên đường chi viện cho các trường đại học phía Nam, và vào năm 1990, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Hiện nay, số cán bộ Cơ học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Quốc gia Hà Nội đang tham gia đào tạo sinh viên ngành Toán-Cơ gồm 18 người: GS.TSKH. Đào Huy Bích, GS.TS. Lê Xuân Cận, PGS.TS. Đào Văn Dũng, PGS.TS. Phạm Chí Vĩnh, PGS. TS. Trần Văn Cúc, PGS. TS. Trần Văn Trản, TS. Phạm Thị Oanh, GVC Nguyễn Xuân Bội, GVC. Dương Tất Thắng, PGS. TSKH. Nguyễn Đình Đức, TS. Vũ Đỗ Long, TS. Trần Thanh Tuấn, TS. Bùi Thanh Tú, NCS Giang Thanh Hà, NCS Lưu Quang Hưng, ThS. Nguyễn Xuân Nguyên., NCS Nguyễn Thị Nhung, ThS Nguyễn Thị Nam, CN Nguyễn Thị Nga, CN Nguyễn Thị Thủy.
Trong số cán bộ Cơ học đã từng nhiều năm cống hiến ở bộ môn được Nhà nước phong tặng chức danh khoa học có các đồng chí:
Giáo sư: Đào Huy Bích, Phạm Huyễn, Lê Xuân Cận, Nguyễn Văn Phó, Ngô Thành Phong
Phó Giáo sư: Lê Minh Khanh, Bùi Tường, Nguyễn Đống, Phạm Hữu Vĩnh, Nguyễn Trường, Nguyễn Văn Gia, Đào Văn Dũng, Phạm Chí Vĩnh, Nguyễn Ngọc Quyên, Thái Bá Cần.
Nhiều thành viên của Bộ môn phấn đấu tốt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, hai đồng chí là Đảng uỷ viên trường (Đào Huy Bích, Lê Xuân Cận), nhiều đồng chí tham gia Chi uỷ khoa, một đồng chí Phó hiệu trưởng trường (Trịnh Đình An), bẩy đồng chí tham gia trong Ban Chủ nhiệm khoa (Đào Huy Bích, Phạm Hữu Vĩnh, Đặng Hữu Thịnh, Phạm Chí Vĩnh, Đào Văn Dũng, Trần Văn Cúc, Vũ Đỗ Long), nhiều đồng chí tham gia các đoàn thể và công tác xã hội khác.
2. Công tác đào tạo
Đào tạo là nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của nhà trường. Đây cũng là công tác bộ môn Cơ học tham gia thực hiện một cách tích cực nhất. Ngoài việc đảm nhiệm các môn Cơ học, hướng dẫn luận án, khoá luận cho sinh viên, các thành viên của bộ môn còn giảng dạy các môn khác do khoa phân công cho các khoa khác, trường bạn và cơ quan ngoài khi có yêu cầu.
2.1. Đào tạo cử nhân ngành Toán-Cơ
Quá trình đào tạo sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Toán-Cơ tại khoa Toán-Cơ-Tin học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay, có thể chi làm ba giai đoạn:
a. Giai đoạn 1 (1963-1993):
Khi khoa Toán-Cơ trở thành đơn vị độc lập, Cơ học đã là một trong bốn bộ môn chính của khoa. Bộ môn đảm nhiệm chính việc giảng dạy các môn Cơ học cho sinh viên. Ba khoá đầu tiên đào tạo theo chương trình 3 năm ngành Toán học chưa có phân ban. Từ khoá thứ tư, sinh viên được học theo chương trình 4 năm. Sau khi học chung một chương trình trong ba năm, sinh viên được phân ban học thêm chuyên đề và làm luận văn tốt nghiệp. Trong các ban được phân có ban Toán-Cơ dành cho sinh viên đi theo hướng Cơ học. Từ khoá 10 (1965) sinh viên ngành Toán-Cơ được tổ chức thành lớp riêng ngay từ năm thứ nhất với chương trình học riêng. Tuy nhiên khi đó kiến thức của ba năm đầu giữa ngành Toán-Toán và Toán-Cơ không mấy khác biệt, chủ yếu là để thuận lợi về mặt tổ chức. Mỗi khóa có khoảng 40-50 sinh viên, có khoá (khoá 14 - 1969) sinh viên lớp Toán-Cơ lên tới 80 em. Những sinh viên Toán-Cơ thuộc 8 khoá (7-14) đã tốt nghiệp ra trường ở thời kỳ này (1966-1973).
Từ năm 1972, chương trình đào tạo đưa lên 4 năm rưỡi, và từ năm 1977 tăng lên thành 5 năm. Sinh viên Toán-Cơ khi ấy có hai năm cuối để học các kiến thức chuyên ngành và chuyên đề sâu, cũng như làm khoá luận tốt nghiệp. Chất lượng luận văn theo đó được nâng cao hơn. Đồng thời trong chương trình có các môn bắt buộc về thí nghiệm Cơ học và thực tập chuyên môn trước khi tốt nghiệp. Chính thời kỳ này, phòng thí nghiệm Cơ học được thành lập, nhưng do hoàn cảnh thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp nên chỉ nhận được những thiết bị cũ, không đồng bộ. Do tư tưởng nôn nóng muốn chứng minh sự tồn tại của phòng thí nghiệm, chúng ta đã nhận cả một số máy móc cũ, không còn hoạt động được.
Từ năm 1988, chương trình đào tạo chuyển về 4 năm, cùng với việc phân thành hai giai đoạn. Yêu cầu đào tạo chuyển sang diện rộng, các kiến thức chuyên ngành giảm đi nhiều. Việc đào tạo sinh viên ngành Toán-Cơ cũng đi theo hướng đó. Tuy nhiên do bắt đầu có ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, việc đào tạo này vấp phải những khó khăn không thể vượt qua được.
b. Giai đoạn 2 (1993-1998):
Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong việc đào tạo sinh viên ngành Toán-Cơ tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nói riêng với Bộ môn Cơ học, đây là thời điểm có nhiều thành viên chuyển đi cơ quan khác. Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngành Toán-Cơ không được chỉ tiêu tuyển sinh riêng. Dẫn đến hệ quả là một thời gian dài không có sinh viên theo học ngành Toán-Cơ, ngay cả ngành Toán cũng có năm chỉ còn dăm sinh viên đăng ký theo học. Bộ môn Cơ học chưa có những biện pháp để tuyên truyền, thuyết minh, giúp các cơ quan quản lý và xã hội thấy được sự cần thiết phải có những sinh viên tốt nghiệp ngành này trong công cuộc xây dựng đất nước. Đến nay chúng ta thấy hệ quả của nó là sự hẫng hụt đội ngũ cán bộ này ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất.
c. Giai đoạn 3 (1998 đến nay):
Từ niên khoá 1998-1999, nhà trường đã cho chỉ tiêu tuyển sinh riêng cho ngành Toán-Cơ, mỗi năm khoảng 30-40 sinh viên. Bộ môn đã đảm nhận giảng dạy cho sinh viên theo chương trình được cải tiến cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Việc giảng dạy và học tập đã dần đi vào nề nếp, từ tháng 6/2002 đã có sinh viên Toán-Cơ ra
trường.
Qua các giai đoạn đào tạo, đã có 41 khoá với trên 1000 sinh viên Toán-Cơ tốt nghiệp. Các sinh viên ra trường được cấp bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Toán-Cơ (nay là Cử nhân Toán-Cơ). Đây là lực lượng cán bộ khoa học có phẩm chất chính trị tốt, có khả năng chuyên môn, được trang bị tốt các kiến thức về Toán học, Cơ học và phương pháp tư duy khoa học, là nguồn bổ sung đội ngũ cán bộ cho nhiều trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc, các trường trung học phổ thông, các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất và kinh doanh, trong lực lượng vũ trang. Nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, một số trở thành doanh nhân thành đạt.
Có thể điểm lại một số gương mặt cựu sinh viên ngành Toán-Cơ của khoa nay đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, cán bộ quản lý được tín nhiệm như: TS. Nguyễn Công Thành (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ông Vũ Thế Bình vụ trưởng vụ Du lịch, Ông Trần Thọ Hùng Phó chánh văn phòng UBND Tỉnh Thái Bình, GS.TSKH. Nguyễn Cao Mệnh (Viện trưởng Viện Cơ học), GS.TSKH. Nguyễn Văn Khang (Chủ nhiệm Bộ môn Cơ kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội), GS.TS. Nguyễn Thúc An (Chủ nhiệm Bộ môn Cơ, Đại học Thuỷ lợi), GS.TSKH. Nguyễn Đăng Bích (Trưởng phòng, Viện Khoa học và Công nghệ Xây dựng), GS.TS. Nguyễn Văn Phó (Đại học Xây dựng), PGS.TS. Lê Lương Tài (Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên), PGS.TS. Hoàng Văn Đa (Chủ nhiệm Bộ môn Cơ lý thuyết, Đại học Mỏ - Địa chất), TS. Nguyễn Xuân Bảo (Viện phó, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông), PGS.TS. Vũ Mạnh Lãng (Trưởng phòng, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông), TS. Đỗ Tiến Vũ (Trưởng Phòng, Đại học Giao thông Vận tải), TS. Trịnh Văn Tín (Viện phó, Viện Cơ học), PGS.TS. Bùi Hữu Dân (Trưởng phòng, Viện Cơ học), PGS.TS. Nguyễn Đăng Tộ ( Phó chủ nhiệm Khoa, Đại học Thuỷ lợi), PGS.TS. Đặng Quốc Lương (Chủ nhiệm Bộ môn, Đại học Kiến trúc), TS. Vũ Khắc Bảy (Chủ nhiệm Bộ môn, Đại học Lâm nghiệp), PGS. TSKH. Nguyễn Đình Đức (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội),...
Nhiều người tốt nghiệp ngành Toán-Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi Nhà nước cần chuyển sang làm việc thuộc lĩnh vực khác vẫn phát huy được vai trò của mình. Sinh viên được đào tạo đã nhanh chóng thích nghi với môi trường công việc, dần làm việc có hiệu quả. Đây là nét đặc trưng của sinh viên khoa Toán-Cơ-Tin học, trong đó có sinh viên ngành Toán-Cơ.
2.2. Đào tạo cử nhân khoa học tài năng về Cơ học
Do yêu cầu đào tạo cán bộ khoa học giỏi, có trình độ cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, được cấp trên khuyến khích, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đầu tiên tổ chức đào tạo cử nhân khoa học tài năng, tuyển chọn các học sinh có thành tích học tập xuất sắc ở phổ thông và có tiềm năng vào các lớp này. Hàng năm ngành Cơ học được 2-5 chỉ tiêu đào tạo. Các sinh viên này có kết quả học tập tốt. Các thầy cô trong Bộ môn luôn tạo điều kiện để các em phát huy hết năng lực của mình. Đến nay đã có 18 sinh viên tốt nghiệp, 100% đạt loại giỏi. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn các em nhận được học bổng đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài.
2.3. Đào tạo sau đại học về Cơ học
Đội ngũ cán bộ Cơ học của khoa Toán-Cơ-Tin học không những cùng đồng nghiệp ở các bộ môn khác tham gia đào tạo cử nhân khoa học các ngành trong khoa, mà còn có nhiều cố gắng trong việc tự hoàn thiện mình về trình độ khoa học, một số đã bảo vệ luận án Tiến sỹ, Tiến sỹ khoa học. Bộ môn Cơ học tích cực tham gia đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ cho đất nước về các lĩnh vực Cơ học Vật rắn biến dạng, Cơ học Chất lỏng - Chất khí, Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng. Từ năm 1975 đến nay Bộ môn đã đào tạo được 1 Tiến sỹ khoa học, 14 Tiến sỹ về Cơ học. Cụ thể:
Cơ học Lý thuyết: Phạm Huyễn (TSKH. 1988), Nguyễn Đăng Tộ (TS. 1989), Nguyễn Thành Mậu (TS. 1990).
Cơ học Vật rắn biến dạng: Nguyễn Văn Phó (TS. 1977), Nguyễn Đăng Bích (TS. 1985), Phạm Thị Oanh (TS. 1986), Phạm Chí Vĩnh (TS. 1986), Đào Văn Dũng (TS. 1993), Vũ Khắc Bảy (TS. 1996), Phạm Thị Toan (TS. 2000), Hoàng Văn Tùng (TS 2011).
Cơ học Chất lỏng: Phạm Hữu Vĩnh (TS. 1979), Trương Minh Chánh (TS. 1983), Nguyễn Xuân Huy (TS. 1987), Trần Văn Cúc (TS. 1991).
Hiện nay tại Bộ môn có 04 NCS đang theo học.
Các năm gần đây, bộ môn Cơ học đã phối hợp với Viện Cơ học đào tạo cán bộ trình độ Thạc sỹ Cơ học tại Trung tâm hợp tác, đào tạo, bồi dưỡng Cơ học, và từ năm 2002 đào tạo Cao học ngay tại khoa. Đã có 7 khóa với 26 học viên cao học đã tốt nghiệp tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, một số em tiếp tục là NCS tại Bộ môn.
2.4. Chương trình và giáo trình
Nhằm đào tạo cán bộ khoa học ngành Toán-Cơ có chất lượng đáp ứng được như cầu của công cuộc xây dựng đất nước, yêu cầu của xã hội và tạo điều kiện cho sinh viên lập nghiệp khi ra trường, một trong những khâu quan trọng được thể hiện là chương tình đào tạo. Thông qua chương trình đào tạo của một ngành, người ta có thể nhận biết khái quát về diện mạo và tiềm năng của người cán bộ tương lai mà ngành đó đào tạo ra. Mặt khác, do sự phát tiển nhanh của khoa học, kiến thức của nhân loại về từng ngành học được tích luỹ ngày càng nhiều, nên phải thường xuyên xem xét điều chỉnh chương tình đào tạo sao cho phù hợp. Nhận thức được tầm quan trọng đó, các cán bộ của bộ môn Cơ học đã tham gia xây dựng, cập nhật kiến thức vào chương trình đào tạo cho phù hợp với xu thế thời đại và thiết thực với nước ta theo phương châm: khoa học, hiện đại và Việt Nam. Nhiều bộ chương trình đào tạo đã được xây dựng, trao đổi và đem ra thực hiện theo từng thời kỳ phát triển của đất nước. Gần đây nhất, để tập hợp được nhiều ý kiến khách quan của các nhà khoa học, bộ môn cùng với khoa đã tổ chức một Hội thảo để góp ý xây dựng chương trình đào tạo cho cử nhân khoa học ngành Toán-Cơ, cử nhân khoa học tài năng Cơ học và chương trình đào tạo Thạc sỹ Cơ học, Tiến sỹ Cơ học.
Để phục vụ cho việc giảng dạy của cán bộ và học tập của sinh viên, bộ môn Cơ học đặc biệt quan tâm khuyến khích các thành viên của bộ môn biên soạn thành sách giáo khoa và sách chuyên khảo. Nhiều sách đã được xuất bản, một số sách được tái bản nhiều lần.
- Lê Minh Khanh và nnk., Sức bền vật liệu, NXB Giáo dục
- Đào Huy Bích, Phạm Huyễn, Cơ học lý thuyết, NXB ĐHQGHN, 1999, 2002
- Đào Văn Dũng, Cơ học lý thuyết, NXB ĐHQGHN, 2003.
- Đào Văn Dũng, Nguyễn Xuân Bội, Phạm Thị Oanh, Phạm Chí Vĩnh, Bài tập Cơ học lý thuyết, NXB ĐHQGHN, 2000.
- Đào Huy Bích, Cơ học Môi trường liên tục, NXB ĐHTH, 1990
- Đào Huy Bích, Nguyễn Đăng Bích, Cơ học Môi trường liên tục, NXB ĐHQGHN, 2003
- Đào Huy Bích, Lý thuyết đàn hồi, NXB ĐH&THCN, 1972, 1979 - NXB ĐHQGHN, 2000
- Đào Huy Bích, Cơ sở lý thuyết dẻo, NXB ĐH&THCN, 1977
- Đào Huy Bích, Phép tính tenxơ và ứng dụng, NXB ĐH&THCN, 1977
- Đào Huy Bích, Vũ Đình Lai, Lê Quang Minh, Nguyễn Hoa Thịnh, Bài tập Cơ học Môi trường liên tục, NXB ĐH&THCN, 1991
- Phan Văn Hạp, Đào Huy Bích, Phạm Thị Oanh, Toán cao cấp nhóm ngành II (4 tập), NXB ĐHQGHN, 1998
- Trần Văn Cúc, Cơ học chất lỏng, NXB ĐHQGHN, 2003
- Trần Văn Trản, Khí động lực học, NXB ĐHQGHN, 2004
- Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Hoa Thịnh, Vật liệu composite, cơ học và công nghệ, NXB KHKT, 2002.
- Đào Huy Bích, Lý thuyết quá trình đàn dẻo, NXB ĐHQGHN, 1999
- Đào Huy Bích, Lý thuyết dẻo và các ứng dụng, NXB Xây dựng, 2004
- Đào Huy Bích, Phép tính biến phân, NXB ĐHQGHN, 2002
- Đào Văn Dũng, Hướng dẫn giải bài tập Cơ học lý thuyết, NXB ĐHQGHN, 2006
- Trần Văn Cúc, Toán cao cấp, NXB Nông nghiệp, 2005
- Đào Huy Bích và nnk., Olympic Cơ học, Hội Cơ học Việt Nam, 1998
Ngoài ra, cán bộ bộ môn còn tham gia biên tập các tuyển tập công trình khoa học của các Hội nghị khoa học toàn quốc của ngành Cơ học và các chuyên ngành, dịch nhiều sách nước ngoài về Cơ học phục vụ giảng dạy và học tập.
2.5. Hỗ trợ đào tạo từ các cơ quan ngoài
Trong quá trình đào tạo, khoa và bộ môn đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, và các cán bộ khoa học từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, viện chuyên ngành của các Bộ, và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc giảng dạy, gửi sinh viên đến thực tập, và thu nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các quan hệ này được thắt chặt, một mặt tranh thủ được sự giúp đỡ trực tiếp của các nhà khoa học, các cơ quan trong việc đào tạo sinh viên, mặt khác bộ môn và khoa thấy được các yêu cầu cụ thể để định hướng về mặt nội dung đào tạo sao cho thiết thực hơn, và sinh viên ra trường dễ tìm được việc làm hơn. Đồng thời, các cán bộ của bộ môn cũng tham gia vào công tác đào tạo ở các cơ quan đó khi có yêu cầu.
Nhiều cán bộ khoa học đã nhiệt tình tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận án, luận văn và khoá luận như: GS.TSKH. Nguyễn Cao Mệnh, GS.TSKH. Nguyễn Đông Anh, GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn, GS.TSKH. Nguyễn Văn Điệp, GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm, PGS.TS. Ngô Hương Nhu, PGS.TSKH. Đỗ Sơn, TS. Nguyễn Việt Liên (Viện Cơ học), GS.VS. Nguyễn Văn Đạo, GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hùng, GS.TSKH. Nguyễn Văn Khang, GS.TSKH. Đỗ Sanh, GS.TSKH. Vũ Duy Quang, GS.TS. Trần Ích Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội), GS.TSKH. Nguyễn Đăng Bích (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng), GS.TS. Nguyễn Văn Phó, PGS.TS. Đặng Văn Cứ (Đại học Xây dựng), GS.TS. Nguyễn Thúc An (Đại học Thuỷ lợi).
3. Nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tiễn
3.1. Nghiên cứu khoa học
Nhận thức được muốn giảng dạy tốt phải có nghiên cứu khoa học, cập nhật các kiến thức hiện đại, lực lượng cán bộ tham gia đào tạo đã chú ý đứng mức công tác này. Tất cả cán bộ của bộ môn đều tham gia vào các đề tài nghiên cứu cấp Trường và cấp Bộ trước đây, và hiện nay là cấp Trường ĐHKHTN và cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 1992 đến nay, nhiều cán bộ tham gia đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu cơ bản (được gọi là đề tài NAFOSTED từ 2009, do Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ): 09 đề tài nghiên cứu cơ bản đã được thực hiện và nghiệm thu đạt loại khá, xuất sắc, 02 đề tài NAFOSTED đang được thực hiện. Các đề tài này không những tập hợp được cán bộ trong bộ môn, mà còn lôi cuốn được nhiều cán bộ ở các cơ quan khác cùng tham gia. Chẳng hạn đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu cơ bản do GS.TSKH. Đào Huy Bích làm Chủ nhiệm: “Một số vấn đề của lý thuyết dẻo, cơ học vật liệu composite và các ứng dụng” đã tập hợp một tập thể nghiên cứu mạnh gồm 23 thành viên từ các cơ quan: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Cục Kiểm định Bộ Xây dựng... Trong nhiệm vụ nghiên cứu có phần đóng góp vào đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ, nhiều người đã bảo vệ thành công luận án khi tham gia đề tài.
Bộ môn cũng đã xây dựng được xêmina “Cơ học Vật rắn biến dạng” do GS.TSKH. Đào Huy Bích chủ trì, và duy trì hoạt động tương đối đều từ năm 1982 đến nay (thời gian từ 1982-1992 sinh hoạt lưu động, thời gian từ 1992 đến nay sinh hoạt chủ yếu tại khoa). Đây thực sự là một môi trường khoa học bổ ích và hấp dẫn, quy tụ được nhiều cán bộ trong và ngoài trường tham gia. Nhiều vấn đề khoa học mới, nhiều thông tin về nghiên cứu của các thành viên được trình bày, thảo luận ở đây. Nhiều cán bộ trẻ, nghiên cứu sinh đã được bồi dưỡng, đào tạo từ xêmina này.
Từ 2009, xêmina “Sóng và ứng dụng” do PGS TS Phạm Chí Vĩnh chủ trì đã hoạt động thường xuyên tại Bộ môn. Tham gia xêmina, ngoài các cán bộ của Bộ môn Cơ học còn có các sinh viên năm cuối đang làm khóa luận, các hoc viên cao học và NCS đang theo học tại Bộ môn.
Các cán bộ của bộ môn đã công bố được trên 200 bài báo trên các Tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Các hướng nghiên cứu chính của Bộ môn hiện nay:
a. Cơ học vật rắn biến dạng:
- Lý thuyết quá trình đàn dẻo và các bài toán liên quan
- Quy luật ứng xử của vật liệu composite có cấu trúc phức tạp và các vật liệu mới
- Phân tích phi tuyến tĩnh và động của các kết cấu bằng vật liệu composite
- Sóng trong các môi trường đàn hồi
- Phương pháp thuần nhất hóa và ứng dụng trong cơ học
- Phương pháp tiếp cận mới một số bài toán phi tuyến trong cơ học vật rắn biến dạng
b. Cơ học chất lỏng - chất khí:
- Bài toán về dòng chảy rối
- Dòng chảy nhiều pha, nhiều thành phần, bài toán lan truyền ô nhiễm
- Phương pháp số trong khí động lực
c. Cơ học đại cương và ứng dụng
- Sóng và dao động tựa tuần hoàn của các hệ động lực phi tuyến
- Các phương pháp trong dao động phi tuyến
- Động lực học hệ nhiều vật
- Điều khiển chuyển động
3.2. Phục vụ thực tiễn
Bộ môn Cơ học có truyền thống phục vụ thực tiễn, phục vụ sản xuất và chiến đấu trong thời gian có chiến tranh, đặc biệt là trong thời kỳ thực hiện chỉ thị 222TTg của Thủ tướng Chính phủ, huy động các thầy cô cũng như sinh viên năm cuối tham gia. Có thể kể ra một số công việc đã làm: tính toán cầu dây (1966 Viện Kỹ thuật Giao thông), tính toán bể chứa nhiên liệu trong núi, nhà kho và cảng dã chiến (Bộ Vật tư), tính toán áp lực mỏ và cột chống lò (1973 Bộ Điện Than), nhà hải đảo ( Bộ Tư lệnh Hải quân), tính toán nước dâng, dòng chảy (Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn)... Nổi bật thời kỳ này phải kể đến sự đóng góp của hai cán bộ PGS. Lê Minh Khanh và GS. Ngô Thành Phong.
Từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, công việc này có phần chững lại. Bộ môn đang phấn đấu tìm kiếm những vấn đề phù hợp với khả năng ứng dụng của mình.
4. Khen thưởng của Nhà nước đối với bộ môn
Do những đóng góp của bộ môn vào công cuộc đào tạo của khoa và nhà trường, sự nhiệt tình và trách nhiệm của các thành viên, sự đoàn kết thân ái, giúp đỡ, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên bộ môn Cơ học đã nhiều lần được Nhà nước khen thưởng:
a. Về tập thể:
- 12 năm được công nhận là tổ lao động xã hội chủ nghĩa
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Huân chương Lao động hạng ba
b. Về cá nhân:
- 01 Huân chương Lao động hạng nhất
- 01 Huân chương Lao động hạng nhì
- 03 Huân chương Lao động hạng ba
- 03 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng hai
- 03 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba
- 03 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- 05 bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia
- 01 Nhà giáo Nhân dân
- 02 Nhà giáo Ưu tú
- 01 Chiến sỹ thi đua Toàn quốc
và nhiều Huy chương vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo, Huy chương vì sự nghiệp khoa học - công nghệ.
Nhìn lại những chặng đường đã qua của Bộ môn Cơ học trong sự phát triển chung của khoa Toán-Cơ-Tin học, từ những ngày đầu thành lập, những năm tháng gian khó sơ tán, thầy trò đào hầm đắp luỹ thành lớp học để giảng dạy và học tập, ăn uống kham khổ mà vẫn lạc quan, đến những ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cán bộ của bộ môn Cơ học hồ hởi đi nhận nhiệm vụ chi viện cho các trường đại học phía Nam, rồi đến những ngày khó khăn khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và nay đáp ứng nhu cầu mới của công cuộc xây dựng đất nước, các cán bộ của Bộ môn Cơ học luôn đem hết tâm trí của mình cống hiến giúp đào tạo cho đất nước những cán bộ trẻ ngành Toán-Cơ có năng lực và có tinh thần trách nhiệm.
Tự hào về những công việc đã làm để tự tin tiến bước là ước nguyện của Bộ môn Cơ học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Biên soạn: GS.TSKH. Đào Huy Bích, PGS.TS. Đào Văn Dũng, PGS TS Phạm Chí Vĩnh