55 năm thành lập khoa Toán-Cơ-Tin học

(Bài viết nhân kỉ niệm 55 năm thành lập Khoa Toán - Cơ - Tin học - 2011)

Năm mươi lăm năm trước, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi được hai năm, ngày 4 tháng 6 năm 1956, Chính phủ ra quyết định số 2184/TC thành lập 5 trường đại học: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Y - Dược, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm.

Tại thời điểm ban đầu, do lực lượng cán bộ quá mỏng, Nhà nước cho thành lập một Khoa Toán - Lý chung cho cả hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm do GS Lê Văn Thiêm làm Chủ nhiệm Khoa.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa trong những ngày đầu tiên ấy chỉ vẻn vẹn có 16 người, trong đó có những tên tuổi mà các thế hệ sau còn được biết qua các tạp chí khoa học, trong các giáo trình và sách chuyên khảo, như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Đoàn Quỳnh, Phan Đình Diệu,...

Ngày 26 - 1 - 1960 Bộ Giáo dục ra Nghị định số 34 - ND quy định bộ máy trường ĐHTH Hà Nội gồm có: Khoa Tự nhiên, Khoa Xã hội. Sau đó bộ phận Toán - Lý và bộ phận Sinh - Hoá của trường ĐHTH được nhập lại thành Khoa Tự nhiên vẫn do Giáo sư Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa.

Ngày 22 - 10 - 1961, theo đề nghị của Ông Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp, Bộ Giáo dục ra quyết định số 705/QĐ chia Khoa Tự nhiên thành ba khoa: Toán - Lý, Sinh vật và Hoá học. Khoa Toán - Lý do GS. Hoàng Tuỵ làm Chủ nhiệm Khoa, GS. Nguyễn Hoàng Phương và Nhà giáo Trần Văn Dung làm Phó chủ nhiệm.

Khoa Toán - Lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lớn mạnh nhanh chóng, nên năm  học 1964-1965 lại được tách thành hai khoa anh em độc lập: Khoa Toán và Khoa Vật lý.

Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà vị chủ nhiệm đầu tiên là GS Hoàng Tuỵ, lúc mới thành lập gồm 4 bộ môn: Giải tích, Xác suất, Cơ học và Phương pháp tính.

Từ những ngày đầu, khi đang bước những bước chập chững trên con đường phát triển, Khoa Toán non trẻ đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia toán học đến từ đất nước Xô Viết anh em. Các bài giảng của các chuyên gia, như GS Ersov (1961-1963), GS Lukianov, GS Ovchinikov, GS Ghirsanov (1962-1963), VS Lavrenchép (1963), ... vẫn còn lưu mãi trong ký ức của những lớp đàn anh của Khoa.

Những mái đầu xanh cặm cụi trên các trang sách tiếng nước ngoài, vừa đọc, vừa tra từ điển dưới ánh đèn dầu, để soạn chương trình, giáo trình và tự bồi dưỡng,... Lớp cán bộ trẻ đầu tiên của Khoa với nhiệt huyết tràn đầy vừa dạy, vừa học để góp phần xây dựng đội ngũ khoa học cơ bản của Việt Nam.

Nhiều hướng chuyên môn hiện đại được triển khai trong nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo sinh viên.

Thời kỳ đầu tuy lực lượng cán bộ còn mỏng, trình độ nói chung còn hạn chế, song Khoa đã biên soạn và dịch được hàng chục giáo trình, để phục vụ kịp thời cho việc giảng dạy, mà nhiều giáo trình còn được lưu lại đến những năm sau này.

Từ năm học 1962-1963, việc đưa các khóa từ hệ đại học 3 năm lên 4 năm thể hiện sự chuyển biến về chất trong đào tạo.

Những ngày hoà bình quý giá để miền Bắc hồi sinh sau kháng chiến chống Pháp thật ngắn ngủi. Tháng tám năm 1964 không quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc XHCN, đất nước lại bước vào thời chiến. Năm 1965, cũng như đa số các cơ quan nhà nước, Khoa Toán cùng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên núi rừng Đại Từ, Thái Nguyên.

Khoa Toán đóng quân tại xã Văn Yên. Các thầy cô ở trong nhà bà con thôn Cầu Găng. Các lớp sinh viên ở bám theo sườn đồi bao quanh khu cán bộ. khoá 8 và khoá 11 ở Đầm Mây, khoá 9 lúc đầu ở Kẽm Phượng sau chuyển về Ba Trang. Khoá 10 ở đồi Kỳ Lình, khoá 12 ở Kẽm Phượng, khoá 13 ở Ba Trang,... Hàng tháng trời thầy trò chung lưng đấu cật dùng tranh, tre, nứa lá dựng lớp, dựng nhà, dựng thư viện, văn phòng Khoa, nhà ăn tập thể,..

Theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, năm 1965 một lớp toán đặc biệt được thành lập do thầy giáo Phạm Văn Điều làm chủ nhiệm và được đưa ngay lên khu sơ tán tại xóm Đình, xã Văn Yên. Năm sau (1966) lớp toán đặc biệt khoá 2 được triệu tập lên xóm Na Buồn, xã Văn Yên.

Lớp toán đặc biệt khoá 1 chẳng những là lớp chuyên toán đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà còn là lớp học sinh năng khiếu đầu tiên trong toàn quốc. Nó mở đầu cho hệ đào tạo học sinh năng khiếu ở nước ta. Cũng từ đây Khoa Toán được cấp trên chính thức giao nhiệm vụ đào tạo học sinh năng khiếu toán học, rồi phát triển thành khối Phổ thông chuyên Toán.

Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thầy trò Khoa Toán vẫn giảng dạy nhiệt tình, học tập hăng say. Bên ngọn lửa hồng ngoài giờ học tập anh chị em sinh viên còn vui vẻ ca hát. Nhiều bài hát, câu thơ rất trữ tình, sinh động được cán bộ, sinh viên sáng tác cho những buổi liên hoan tự biên tự diễn còn được lưu truyền mãi đến ngày nay.

Trong bom đạn, gian khổ vẫn có những bài báo khoa học của các tác giả Việt Nam với địa chỉ Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội từ núi rừng Việt Bắc bay sang Liên Xô và các nước Đông âu.

Tuy chiến tranh ác liệt, cuối năm 1966 Giáo sư Grothendick, người vừa được giải thưởng Fields vẫn từ Paris bay sang thuyết trình seminar về Giải tích hàm và Tôpô Đại số ngay tại xã Văn Yên, Đại Từ, trong một hội trường nứa lá bốn bề thông ra các ngả hầm tránh bom.

Năm 1969, bom đạn đã có phần giảm bớt và dường như con người đã dày dạn với thời chiến, thầy trò khoa Toán quá độ về xã Đông Hội, huyện Đông Anh, để rồi năm 1970 trở lại nội thành Hà Nội.

Cũng trong năm 1970, sau khi Cơ học đã trở thành ngành đào tạo chính thức, Khoa được đổi tên thành Khoa Toán - Cơ.

Từ giữa năm 1972 tình hình chiến sự lại căng thẳng, Khoa phải sơ tán lên xã Quảng Minh, tỉnh Hà Tây một thời gian ngắn. Sau đó một lần nữa Mỹ ném bom trở lại Hà Nội, thầy trò Khoa Toán - Cơ lại đèn sách sơ tán lên huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Vượt mọi khó khăn thời chiến, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu vẫn luôn luôn được hoàn thành với tinh thần tất cả cho chiến thắng.

Trong giai đoạn 1968 - 1974 theo lời kêu gọi của Đảng, với khẩu hiệu “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc”. Các thầy Nguyễn Xuân My, Nguyễn Đình Sang, Nguyễn Văn Xoa, Hồ Ước, Hà Công Khanh, vv... và hàng trăm sinh viên khoa Toán - Cơ đã nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống Mỹ dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Chỉ riêng khoá 15 có 100 sinh viên nhập trường năm 1971 thì đã có tới 40 người nhập ngũ vào các đợt tháng 9, tháng 12 năm 1971và tháng 5, tháng 9 năm 1972.
Nhiều sinh viên của khoa Toán - Cơ đã chiến đấu anh dũng trên chiến trường. Một số người đã hy sinh trên các mặt trận mà tiêu biểu các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Văn Long, Đào Công Khắc, Tạ Quang Sỏi, Nguyễn Văn Tuần, Nguyễn Dụy, Lê Văn Vỵ, vv....

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến thần kỳ, ngoài một số chiến sĩ tiếp tục phục vụ trong quân đội hoặc chuyển sang học các ngành khác, tuyệt đại đa số anh em đã trở lại Khoa Toán - Cơ tiếp tục học tập. Vượt qua khó khăn về sự gián đoạn học tập và gian khổ trong thời gian bom đạn tại chiến trường, nhiều anh em đã hình thành được phương pháp học tập, nghiên cứu tốt, nên đã đạt kết quả xuất sắc. Trong số đó có thể kể đến các anh Đặng Văn Hưng, Đỗ Thanh Sơn, Nguyễn Vũ Lương, Phạm Văn Hùng, Bùi Khởi Đàm, Vũ Ngọc Loãn, Lê Đức Minh, Hà Quang Thụy, Nguyễn Hữu Dư, Hoàng Xuân Huấn, Tôn Quốc Bình,... Sau khi tốt nghiệp nhiều cựu chiến binh được cử về công tác tại các Viện nghiên cứu như các anh Đặng Văn Hưng, Bùi Khởi Đàm. Các cựu chiến binh Đỗ Thanh Sơn, Nguyễn Vũ Lương, Phạm Văn Hùng, Vũ Ngọc Loãn, Lê Đức Minh, Hà Quang Thụy, Nguyễn Hữu Dư, Hoàng Xuân Huấn, Tôn Quốc Bình được giữ lại làm giảng viên tại Khoa.

Phát huy tinh thần chiến đấu kiên cường vốn có của người chiến sĩ, các cựu chiến binh không ngừng phấn đấu, để trưởng thành và góp phần xây dựng đơn vị. Đến nay tất cả các cựu chiến binh ở lại Khoa đều đã nhận được học vị tiến sĩ, thạc sĩ, bốn người đã được phong phó giáo sư, một người là giáo sư.

Sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, một số cán bộ của Khoa được chi viện cho miền Nam và nhiều đồng chí được cử đi giảng dạy tại các trường mới tiếp quản. Tất cả đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giữa những năm 70 của thế kỷ trước, trong các đợt thi tuyển nghiên cứu sinh để đào tạo ở nước ngoài, nhiều cán bộ trẻ của Khoa Toán -Cơ được cử đi thi đã trúng tuyển với điểm số rất cao và hầu như năm nào cũng có người đạt thủ khoa. Điều này phần nào xác nhận tính nghiêm túc và chất lượng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Khoa Toán - Cơ.
Khi cánh cửa đào tạo ở nước ngoài khép lại, không ít cán bộ trong Khoa với tinh thần tự lực, lớp trước giúp đỡ lớp sau đã tự đào tạo trên đại học ngay trong nước. Khoa Toán - Cơ tự hào là một trong những cơ sở khoa học đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học. Đã có 96 cán bộ, nghiên cứu sinh của Khoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 6 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học trong nước. Ngoài ra, hơn 700 học viên cao học của Khoa đã tốt nghiệp.

Giáo sư Hoàng Hữu Đường là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đồng thời cũng là người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học trong nước.

Về đào tạo thạc sĩ khoa học, Khoa Toán - Cơ - Tin học chẳng những là đơn vị đi đầu của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia và của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội ngày nay, mà còn là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn quốc mở hệ đào tạo cao học.

Ngoài những chuyên ngành truyền thống về Toán học, Cơ học, Đảm bảo toán học cho máy tính và hệ thống tính toán, để phục vụ cho việc đào tạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu Toán học, Khoa đã đề xuất chuyên ngành đào tạo thạc sĩ phương pháp toán sơ cấp, nhằm đào tạo các chuyên gia có trình độ cao về toán sơ cấp. Chuyên ngành này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt làm chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và một số trường đại học đã mở chuyên ngành này.

Việc sinh hoạt đều đặn của các seminar bộ môn và liên cơ quan như Đại số-Hình học-Tôpô, Giải tích, Phương trình vi phân, Cơ học, Toán ứng dụng, Xác suất-Thống kê, Tin học, Phương pháp toán sơ cấp, vv... đã hỗ trợ rất lớn cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và tự bồi dưỡng của Khoa Toán - Cơ - Tin học.

Có thể nói Khoa Toán ĐHTH HN là nơi đầu tiên trong toàn quốc giảng dạy môn Máy tính. Cụ thể là, năm 1963 thầy Nguyễn Công Thuý đã dạy máy tính và lập trình cho sinh viên Khoa Toán. Từ 1966 Khoa bắt đầu mở chuyên ngành tin học (khi đó gọi là chuyên ngành máy tính). Khoá 8 là khoá có cử nhân tin học đầu tiên. Từ đó hàng năm Khoa đều mở chuyên ngành tin học. Có những năm, chỉ riêng hệ chính quy đã có tới hàng trăm sinh viên theo học.

Năm 1987, để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của tin học, Khoa Toán - Cơ được đổi thành Khoa Toán- Cơ - Tin học, tương ứng với ba ngành đào tạo: Toán học, Cơ học và Tin học.

Cuối năm 1989, một bộ phận cán bộ của Khoa đã được điều động sang xây dựng Viện Tin học - Điện tử trực thuộc trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Tiếp đến năm 1995 lại thêm một bộ phận cán bộ được cử sang công tác tại Khoa Công nghệ Thông tin là đơn vị mới được thành lập. Có thể nói từ một đơn vị có lực lượng mạnh nhất trong toàn quốc, sau nhiều lần bị điều động cán bộ, Khoa Toán - Cơ - Tin học lại phải xây dựng lại đội ngũ cán bộ tin học. Tuy vậy, nhờ sự cố gắng chung của toàn Khoa, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của Bộ môn Tin học, nên lực lượng tin học được phục hồi nhanh chóng và ngày càng phát huy tốt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Từ khi Khoa Công nghệ Thông tin được thành lập (1995), việc đào tạo chuyên ngành tin học hệ chính quy được Đại học Quốc gia quy định chuyển sang Khoa Công nghệ Thông tin. Tuy nhiên, do nhu cầu tin học hoá và sự tín nhiệm của xã hội, Khoa đã chủ động đề xuất mở chuyên ngành Toán - Tin ứng dụng vào năm 1993 và sau ba năm đào tạo thí điểm, năm 1996 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt làm mã ngành đào tạo chính thức.

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tin học bắt đầu phát triển, có sức thu hút kỳ diệu, nên người có nguyện vọng học Toán rất hiếm hoi. Điển hình là khóa 35 chỉ 5 sinh viên, khóa 36 chỉ 4 sinh viên và khóa 37 chỉ 1 sinh viên có nguyện vọng học Toán. Tuy vậy những sinh viên có nguyện vọng học Toán đều là những người học giỏi và yêu mến Toán học. Để đáp ứng nguyện vọng của các em đồng thời duy trì việc đào tạo và bồi dưỡng lực lượng Toán học phục vụ giảng dạy, nghiên cứu trước mắt và tương lai, Khoa Toán - Cơ - Tin học vẫn tiếp tục đào tạo chuyên ngành Toán học với mỗi lớp có khi chỉ có bốn, năm sinh viên theo học. Với lòng yêu mến Toán học, lại thông minh sáng tạo nên giờ đây hầu hết các em trong số đó, như Phan Thị Hà Dương, Lê Minh Hà, Phó Đức Tài, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Quang Diệu, …, đều đã đạt được thành công bước đầu trong sự nghiệp và đang tiến xa hơn nữa.

Trên bước đường xây dựng phát triển của mình Khoa Toán - Cơ - Tin học gặp không ít khó khăn gian khổ, nhưng có lẽ đỉnh điểm là giai đoạn 1983 -1987. Trước hoàn cảnh bức bách đó, Giáo sư - Chủ nhiệm khoa Hoàng Hữu Như đã tìm những việc phi chuyên môn như làm sơn, chế bột màu cho cán bộ làm, nhằm cải thiện đời sống và duy trì công tác giảng dạy, nghiên cứu. Mặt khác Thày Như cũng tìm mọi cách cải thiện đời sống cán bộ trong Khoa bằng cách phát huy chất xám của Khoa nhờ viết và xuất bản sách. Bộ sách “Các phương pháp chọn lọc giải toán sơ cấp” ra đời năm 1985 được tái bản hầu như hàng năm cho tới ngày nay.

Những năm gần đây, để phát huy hiệu quả tiềm năng và hoàn thành tốt nhiệm vụ, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức thành 8 bộ môn: Đại số - Tôpô - Hình học, Giải tích, Xác suất - Thống kê, Toán học tính toán và Toán ứng dụng, Toán Sinh thái - Môi trường, Cơ học, Tin học, và Khối phổ thông chuyên Toán - Tin. Năm 2010, Khối phổ thông chuyên Toán – Tin được tách ra khỏi Khoa do Nhà trường thành lập Trường THPT chuyên KHTN. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay các bộ môn đã dần ổn định và đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Những năm đầu của thế kỷ 21 là giai đoạn chuyển giao thế hệ của Khoa Toán - Cơ - Tin học. Tất cả lớp cán bộ đầu tiên và hầu hết các cán bộ thuộc lớp kế cận đều về nghỉ hưu trong giai đoạn này. Trong 5 năm vừa qua số lượng giáo sư và phó giáo sư của Khoa sút giảm. Tuy nhiên, Khoa đã và đang được trẻ hóa với hầu hết cán bộ thay thế đều do Khoa đào tạo. Một số cán bộ trẻ sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở các nước tiên tiến cũng đã trở về Khoa làm việc. Anh chị em đều học giỏi, năng động, nhiệt tình hăng say với nghề nghiệp, kế tục một cách xứng đáng các thế hệ đàn anh, đưa Khoa Toán - Cơ - Tin học lên một tầm cao mới.

Ngoài hệ đào tạo đại học chính qui với các ngành Toán học, Toán Cơ, Toán Tin ứng dụng, Sư phạm Toán học (3 năm đầu sinh viên học tại Khoa Toán – Cơ – Tin học, năm cuối chuyển về trường Đại học Giáo dục), Khoa còn trực tiếp phụ trách việc giảng dạy và tham gia quản lý hệ Cử nhân Khoa học Tài năng ngành Toán học và Toán Cơ. Phần lớn sinh viên học ở những khóa đầu tiên đã được nhận học bổng để tiếp tục học tập ở nước ngoài. Rất nhiều người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trở thành giảng viên, nghiên cứu viên hay thực tập sau tiến sĩ ở các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài, ví dụ như Nguyễn Ngọc Hưng, Võ Thị Như Quỳnh, Hà Thị Ngọc Yến, Nguyễn Phương Chi, Hà Minh Lam (K1), Nguyễn Thịnh, Đặng Anh Tuấn, Nguyễn Lưu Sơn, Phạm Văn Quốc, Trần Thanh Tuấn, Bùi Thanh Tú (K2), Đoàn Trung Cường, Nguyễn Duy Tân, Lưu Hoàng Đức, Nguyễn Trung Hiếu, Hoàng Mạnh Quang (K3), Đào Phương Bắc (K4), Nguyễn Tất Thắng (K5), Đoàn Thái Sơn (K6), … vv. Từ năm học 2008-2009, Khoa cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cho phép triển khai dự án chương trình đào tạo tiên tiến ngành Toán học. Đây là chương trình đào tạo đại học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, với đối tác là Đại học Washington, Hoa Kỳ. Các môn học do các giáo sư Việt Nam có kinh nghiệm giảng dạy quốc tế và các giáo sư Hoa Kỳ, chủ yếu đến từ trường đối tác, đảm nhận. Trong khuôn khổ dự án này, Khoa đã gửi được 14 lượt cán bộ, tất cả đều là các giảng viên trẻ, đã có bằng tiến sĩ, sang thực tập tại Hoa Kỳ trong thời gian một học kì. Công tác đào tạo sau đại học cũng có những phát triển đáng kể về mặt qui mô trong những năm gần đây. Hiện nay Khoa đang thực hiện đào tạo 9 – 9 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Chương trình đào tạo tiến sĩ của Khoa có chất lượng tốt, nhiều nghiên cứu sinh đến khi bảo vệ luận án đã có công bố trong các tạp chí quốc tế rất có uy tín.

Khoa đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế. Đã hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh về Tôpô Đại số, Phương trình vi phân, Giải tích số, Xác suất-Thống kê, vv... với nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế. Một nhà khoa học tiêu biểu của Khoa, GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng đã được Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng giải thưởng cho cụm công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc giai đoạn 2001-2005.

Khoa đã tổ chức thành công một số hội nghị quốc tế và trường quốc tế, như: Trường quốc tế CIMPA-UNESCO-HANOI về hệ khả tích và điều khiển; Hội nghị quốc tế về phương trình vi phân, lý thuyết xấp xỉ và ứng dụng (2001); Trường quốc tế về công nghệ phần mềm tiên tiến (2004); Trường quốc tế và hội nghị quốc tế về tôpô đại số (2004); Hội thảo quốc tế về tính toán hiệu năng cao và ứng dụng (2005), Hội nghị quốc tế về Phương trình vi phân và ứng dụng (2009), Hội nghị Tôpô Đại số Đông Á lần thứ 3 (2009), Hội nghị quốc tế về Tin học IEEE-RIVF (2010), vv... Ngoài ra, một số cán bộ trong Khoa còn là đồng chủ trì nhiều hội nghị quốc tế và chủ trì nhiều hội nghị khoa học cấp quốc gia khác. Điều này chứng tỏ uy tín khoa học cũng như năng lực tổ chức của cán bộ trong Khoa ngày càng được nâng cao.

Hơn 10 seminar thường xuyên hoạt động tại Khoa thu hút được nhiều nhà khoa học trong và ngoài trường tham gia. Nhiều cán bộ trẻ của Khoa hăng say nghiên cứu khoa học, đã có công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

Số lượng các công trình được các cán bộ của Khoa công bố trên các tạp chí quốc tế đã tăng mạnh trong 3 năm gần đây. Nếu như giai đoạn từ 2008 trở về trước số lượng công trình quốc tế do các cán bộ của Khoa công bố chỉ khoảng 20 bài/năm thì năm 2009 là 43 bài và năm 2010 là 48 bài. Hiện nay, các cán bộ của Khoa đang chủ trì 8 đề tài (6 ngành Toán, 2 ngành Cơ) do quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ. Giai đoạn 2011-2013, 6 đề tài ngành Toán cũng mới được phê duyệt. Ngoài ra các cán bộ của Khoa, đặc biệt các cán bộ trẻ, còn chủ trì và tham gia nhiều đề tài cấp ĐHQG.

Hiện nay cán bộ trong Khoa đang làm chủ những phương tiện tính toán hiện đại bậc nhất Việt Nam với tổng năng lực tính toán lên đến 300 tỷ phép tính dấu phẩy động trong 1 giây. Hệ thống máy tính này sẽ giúp cán bộ trong Khoa giải quyết những bài toán ứng dụng với khối lượng tính toán rất lớn trong thời gian thực (real time).

Mối quan hệ hợp tác giữa Khoa Toán-Cơ-Tin học với các đơn vị bạn, như Viện Toán học, Viện Cơ học, Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các trường anh em, như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Xuân Hoà, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, vv... ngày càng được củng cố và phát triển. Đến Khoa ta có thể gặp nhiều cán bộ của Viện Toán học, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Cơ học, vv... sang tham gia giảng dạy hoặc hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh của Khoa. Ngược lại, nhiều cán bộ trong Khoa dạy chuyên đề, tham gia hội đồng chấm luận án sau đại học cho các học viên của một số viện nghiên cứu và các trường đại học. Ngoài việc cử cán bộ tham gia giảng dạy đại học và sau đại học cho một số trường, Khoa còn góp phần đào tạo cán bộ khung, xây dựng chương trình cử nhân Toán-Tin ứng dụng, chương trình thạc sĩ Phương pháp Toán sơ cấp để một số trường bạn có điều kiện mở các chuyên ngành này.

Lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Khoa là chi bộ Đảng với 22 đảng viên, gồm các thành viên ưu tú của Khoa, luôn ý thức được trách nhiệm xây dựng khối đoàn kết nhất trí, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, xứng với tầm vóc của một khoa lớn trong trường.

Cố vấn khoa học và đào tạo cho lãnh đạo Khoa là Hội đồng khoa học gồm 26 thành viên.

Công đoàn Khoa với những Ban chấp hành tích cực năng động đã chăm lo đến đời sống và quyền lợi của cán bộ công nhân viên trong Khoa.

Liên chi đoàn Khoa Toán - Cơ - Tin học luôn luôn là một trong những Liên chi đoàn vững mạnh trong trường. Đoàn luôn luôn động viên đoàn viên học tập công tác tốt, tổ chức phong trào văn nghệ, thể thao trong cán bộ, sinh viên và giới thiệu được nhiều đoàn viên ưu tú vào Đảng.

Thành tích của Khoa Toán - Cơ - Tin học trong 55 năm qua là do công sức đóng góp của tất cả các thế hệ thày trò trong Khoa, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các Ban Chủ nhiệm khoa qua tất cả các thời kỳ, mà đại diện là các đồng chí Chủ nhiệm khoa:

  • 1956 – 1961        Giáo sư Lê Văn Thiêm
  • 1961 – 1968        Giáo sư Hoàng Tụy
  • 1968 – 1970        Phó Giáo sư Trần Vinh Hiển quyền chủ nhiệm khoa
  • 1970 – 1982        Giáo sư Phan Văn Hạp
  • 1982 – 1991        Giáo sư Hoàng Hữu Như
  • 1991 – 1992        Giáo sư Trần Văn Nhung
  • 1992 – 1993        Giáo sư Nguyễn Duy Tiến
  • 1993 – 1995        Phó Giáo sư Phạm Trọng Quát
  • 1995 – 1999        Giáo sư Đặng Huy Ruận
  • 1999 - 2006        Giáo sư Phạm Kỳ Anh
  • 2006 – 2008        Giáo sư Nguyễn Hữu Dư
  • 2008 đến nay    Phó Giáo sư Vũ Hoàng Linh

Trong đó các Giáo sư Lê Văn Thiêm và Giáo sư Hoàng Tụy (giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I) là những Chủ nhiệm Khoa đầu tiên, còn Giáo sư Hoàng Hữu Như đã phụ trách Khoa trong giai đoạn khó khăn nhất.

MỘT SỐ THÀNH TỰU

I. Xây dựng đội ngũ

Từ một nhóm nhỏ gồm 7 cán bộ giảng dạy sinh hoạt trong khoa Toán - Lý chung của Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm khi mới thành lập, sau 55 năm đã có 320 cán bộ công nhân viên đã kinh qua công tác tại Khoa Toán - Cơ - Tin học.

Trong thời gian công tác tại Khoa Toán - Cơ - Tin học, đã có:

  • 19 cán bộ được phong học hàm Giáo sư.
  • 44 cán bộ được phong học hàm Phó Giáo sư.
  • 12 cán bộ được nhận học vị Tiến sĩ Khoa học.
  • 62 cán bộ được nhận học vị Tiến sĩ.

II. Đào tạo

Đại hoc: Đã đào tạo được hơn 5000 cử nhân khoa học thuộc các ngành Toán, Cơ, Tin học và hiện có 1100 sinh viên đang học.

Cao học: Đã đào tạo gần 700 thạc sĩ và hiện có hơn 200 học viên đang học.

Là đơn vị đầu tiên trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện công tác đào tạo cao học, hiện nay Khoa vẫn là đơn vị dẫn đầu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên về số lượng và chất lượng đào tạo sau đại học.

Nghiên cứu sinh: 96 luận án tiến sĩ đã bảo vệ tại Khoa, trong đó có 70 luận án ngành Toán, 16 luận án ngành Cơ, 10 luận án ngành Tin học và Bảo đảm Toán học cho máy tính và hệ thống tính toán. Hiện Khoa có trên 30 nghiên cứu sinh đang theo học hoặc đã kết thúc học tập, đang chuẩn bị bảo vệ luận án.

Đã có 6 luận án Tiến sĩ khoa học được bảo vệ thành công. Giáo sư Hoàng Hữu Đường là người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ, đồng thời cũng là người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở trong nước.

Từ  năm 1974 đến năm 2010  học sinh của Khối chuyên Toán – Tin đã đạt được 66 giải quốc tế về Toán học. Đặc biệt có 24 Huy chương Vàng và có 4 học sinh đạt Huy chương Vàng hai năm liền là Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Lê Hùng Việt Bảo.

Từ năm 1989 đến 2010, học sinh của Khối đã đạt được 31 giải quốc tế về Tin học. Đặc biệt Nguyễn Ngọc Huy hai năm liền đạt Huy chương Vàng.

III. Nghiên cứu khoa học

Đã công bố hơn 1200 bài báo khoa học, 200 cuốn sách.

Đã hoàn thành khoảng 200 đề tài khoa học, trong đó có 100 đề tài cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia và cấp Nhà nước.

IV. Quan hệ quốc tế

Khoa đã có quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học và đào tạo với các trường và trung tâm: Đại học tổng hợp Moskva (Liên Xô), Viện Toán Lodz (Ba Lan), Đại học tổng hợp Humbold, Đại học tổng hợp Heidelberg (CHLB Đức), Đại học Công nghệ Curtin (Australia), Trung tâm Vật lý lý thuyết ICTP (Italia), Đại học tổng hợp Amsterdam (Hà Lan) và một số trường, viện thuộc các nước: Mỹ, Cộng hoà Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch, Nauy, Campuchia, Trung Quốc, Singapore, Philipines, Malaysia, Thái lan, Đài Loan, ...

Vào những năm 80 đáp ứng nhu cầu của các nước bạn đồng thời góp phần cải thiện đời sống cán bộ, Khoa Toán - Cơ - Tin học đã động viên, tạo điều kiện cho anh em cán bộ đi giảng dạy ở nước ngoài. Cho đến nay đã có khoảng 60 cán bộ của khoa đi giảng dạy ở Madagascar, Algerie, Angola, Congo, Campuchia, Australia, Tây ban nha, Mỹ, vv...

V. Khen thưởng

Khoa đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, II, I (năm 2009).

Bộ môn Giải tích đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II, Các bộ môn Cơ học, Toán học tính toán và Toán ứng dụng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.

Khối Phổ thông chuyên Toán -Tin được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, hạng II, hạng I và Huân chương Độc lập hạng III và được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới".

Khoa có 07 thầy được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân: GS.TSKH. Đào Huy Bích, GS.TSKH. Nguyễn Thừa Hợp, GS.TSKH. Phạm Ngọc Thao, GS.TSKH. Nguyễn Văn Mậu, GS.TS. Đặng Huy Ruận, GS.TSKH. Phạm Kỳ Anh, PGS.TS. Phan Đức Chính.

Ngoài ra, Khoa có 23 thầy là Nhà giáo ưu tú.

TIỀM LỰC HIỆN NAY

Tổng số cán bộ đang công tác tại Khoa: 74

  • Giáo sư: 4
  • Phó Giáo sư: 9
  • Tiến sĩ khoa học: 3
  • Tiến sĩ: 33
  • Nhà giáo nhân dân: 1
  • Nhà giáo ưu tú: 4

BAN CHỦ NHIỆM KHOA HIỆN NAY

  • Chủ nhiệm Khoa: PGS.TS. Vũ Hoàng Linh
  • Các Phó chủ nhiệm Khoa: TS. Lê Minh Hà, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, TS. Vũ Đỗ Long

DANH SÁCH CÁN BỘ CỦA VĂN PHÒNG KHOA
CV. Nguyễn Thị Thái Liên, CV. Nguyển Cẩm Tú, CN. Trịnh Thị Bích Hiên, CN. Nguyễn Hải Yến, CN. Phạm Hoàng Long, ThS. Phùng Thị Thúy

 

Trọng số: 
0