Quá tình phôi thai và sự hình thành Bộ môn Giải tích
Đội ngũ giảng dạy Toán học đầu tiên ở bậc đại học của nước ta gồm có các thầy:
- Lê Văn Thiêm
- Nguyễn Thúc Hào
- Nguyễn Cảnh Toàn
- Hoàng Tụy
- Ngô Thúc Lanh
- Khúc Ngọc Khảm
- Hoàng Phương
Kể từ năm 1954 sau ngày hòa bình lập lại nước ta đã có Trường Đại học Sư phạm khoa học (1954-1956) do GS Lê Văn Thiêm làm hiệu trưởng. Sau hai năm tồn tại và đào tạo được hai khóa, Trường Đại học Sư phạm khoa học lại được tách thành hai trường là Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội. Đại học Tổng hợp Hà Nội có hai khoa Khoa Tự nhiên và Văn Khoa. Khoa Tự nhiên do GS Lê Văn Thiêm làm chủ nhiệm khoa . Năm 1961, theo quyết định của Bộ Giáo dục khoa Tư nhiên được tách ra thành hai khoa khoa Toán lý do G.S Hoàng Tụy làm chủ nhiệm khoa và khoa Hóa vạn do G.S Nguyễn Hoán làm chủ nhiệm khoa.
Đến năm 1965 , khoa Toán-Lý lại tiếp tục được chia đôi để thành lập khoa Toán và khoa Vật lý. Khoa Toán do GS Hoàng Tụy làm chủ nhiệm, khoa Toán có bốn bộ môn chuyên ngành là Bộ môn Giải tích, Bộ môn Xác suất, Bộ môn Cơ học, Bộ môn Phương pháp tính.
- Thế hệ thứ nhất:
Bộ môn Giải tích được chính thức thành lập vào năm 1963, chín thành viên đầu tiên của Bộ môn là các thầy:
Lê Văn Thiêm, Hoàng Hữu Đường ( Chủ nhiệm Bộ môn), Phan Đức Chính , Nguyễn Thừa Hợp , Phạm Ngọc Thao , Hoàng Gia Khánh , Nguyễn Đăng Tề , Thân Lầu , Phạm Văn Điều .
Có thể nói rằng trước đó từ khi còn nằm trong biên chế của khoa Tự nhiên và khoa Toán-Lý đã tồn tại nhóm chuyên nghành Giải tích Toán học gồm các thầy Nguyễn Thừa Hợp, Hoàng Hữu Đường , Phan Đức Chính, dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của G.S Lê Văn Thiêm .
Cách một năm không bổ sung thêm ai, bởi vì thời hạn đào tạo của một khoá học tăng lên 4 năm (bắt đầu từ khoá 4). Năm 1963 lại có ba người tốt nghiệp khóa 4 tiếp tục được cử về bộ môn: thầy Trần Văn Triển (Phương trình đạo hàm riêng), thầy Nguyễn Văn Lâm (Hàm phức), thầy Trần Đức Long (Giải tích hàm). Khoá 5 (1964) có thêm thầy Nguyễn Cát Hồ (Giải tích hàm) được bổ sung về bộ môn.
Vậy là từ bốn, năm người đầu tiên, sau tám năm vừa xây dựng và trưởng thành, Tổ Giải tích trở thành Bộ môn Giải tích với 14 thành viên đều là những sản phẩm ưu tú của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
- Thế hệ thứ hai:
Năm 1966, những trí thức ưu tú được gửi đi đào tạo tại các nước Xã hội Chủ nghĩa đã tốt nghiệp. Về nhận công tác tại bộ môn Giải tích có thầy Nguyễn Thuỷ Thanh (Hàm phức) từ Kharcov, thầy Võ Đức Tôn (Phương trình vi phân) từ Odessa, thầy Nguyễn Thế Hoàn (Phương trình vi phân) từ Voronez, thầy Nguyễn Đình Sang (Hàm phức) tốt nghiệp khoá 7. Từ năm 1968 đến 1971 bộ môn được bổ sung thêm 6 thành viên là các sinh viên các chuyên nghành Toán học được đào tạo ở Trường ĐHTH Hà Nội và các nước Đông Âu, trong đó có hai Phó tiến sỹ. Năm 1968 có thầy Hoàng Quốc Toàn (khoá 9, Phương trình đạo hàm riêng). Năm 1970 có thầy Lê Tiến Tam (khoá 11, Hàm phức), thầy Mai Thúc Ngỗi (PTS, Lý thuyết số) từ Tashkent, Liên Xô. Năm 1971 có thầy Đặng Đình Châu, thầy Trần Văn Nhung tốt nghiệp khoá 12 được bổ sung về nhóm Phương trình vi phân, thầy Trần Huy Hổ (PTS, Moscva) về nhóm Phương trình đạo hàm riêng. Cho đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) có thêm năm người được đào tạo từ nước ngoài được phân công về bộ môn. Năm 1973 có thầy Nguyễn Xuân Dũng, thầy Nguyễn Đình Dũng, thầy Nguyễn Văn Xoa về giải tích hàm từ Bacu (Liên xô) và cô Trần Thị Đệ về phương trình vi phân tốt nghiệp từ Minsk (Liên Xô) về. Cùng năm 1973 về khoa nhận công tác còn có thầy Nguyễn Văn Mậu từ Minsk với chuyên ngành Giải tích phức, nhưng lại thuộc phiên chế của bộ môn Chuyên Toán, mãi cho đến năm 1991 GS Nguyễn Văn Mậu mới chuyển về bộ môn Giải tích. Năm 1975 thầy Hồ Đức Việt (PTS, Praha, Tiệp Khắc) được phân về nhóm Giải tích hàm.
Năm 1976 về bộ môn có cô Phan Khánh Tâm (Giải tích hàm, Rumani), thầy Nguyễn Hữu Việt Hưng (Giải tích trên đa tạp, khoá 16). Năm 1977 có thầy Huỳnh Mùi (TS,Tôpô Đại số) từ Nhật Bản về sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn Giải tích, tiếp theo là thầy Trần Thiệp (Giải tích hàm, Tashkent). Hai thành viên cuối cùng của thời kỳ bao cấp, thầy Nguyễn Văn Minh và thầy Tôn Quốc Bình, tốt nghiệp khoá 21, khoa Toán, Trường ĐHTH Hà Nội, về bộ môn với chuyên ngành phương trình vi phân. Năm 1999, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn (Giải tích phức) chuyển biên chế từ Viện Nghiên cứu Năng lượng hạt nhân về Bộ môn Giải tích (đây có thể xem là trường hợp hiếm hoi vì sau gần hai mươi năm không có bổ sung lực lượng kế cận) .
- Thế hệ thứ ba:
Người đầu tiên được vinh dự xếp vào thế hệ thứ ba là T.S Lê Huy Chuẩn (Giải tích phức).Đây là một trong những người tốt nghiệp cử nhân nghành Toán học của khoa Toán- Cơ - Tin học , Trường Đại học Khoa học Tự nhiên , ĐHQG Hà Nội được tuyển chọn cho Bộ môn Giải tích vào năm đầu tiên của thế kỷ 21. Tiếp theo thầy Lê Huy Chuẩn là các thầy giáo tốt nghiệp cử nhân nghành Toán học của khoa Toán- Cơ - Tin học , Trường Đại học Khoa học Tự nhiên , ĐHQG Hà Nội đó là T.S. Dư Đức Thắng, T.S. Đặng Anh Tuấn, Th.S Ngô Quốc Anh (Phương trình đạo hàm riêng), T.S. Lê Huy Tiễn, T.S. Trần Tất Đạt (Phương trình vi phân), T.S. Ninh Văn Thu (Giải tích phức), Th.S Hoàng Tùng (Phương trình đạo hàm riêng), Th.S Nguyễn Đăng Mạnh, Th.S Vũ Nhật Huy (Giải tích hàm), Th.S Chử Văn Tiệp (Giải tích phức), thầy Trịnh Tuấn Phong (Phương trình đạo hàm riêng), Th.S Phạm Việt Hải, Th.S Trịnh Viết Dược (Phương trình vi phân). Tiếp nối các Thầy thuộc thế hệ thứ hai của bộ môn Giải tích, về công tác tại Bộ môn có cô Đỗ Ngọc Hồng, Th.S Phạm Trọng Tiến, Th.S Nguyễn Thương Huyền (Giải tích hàm) được đào tạo tại Liên Bang Nga (thuộc Liên Xô cũ).
Sự đóng góp của các Thầy giáo thuộc các thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai là vô giá và không kể hết được, để tiếp bước các Thầy và giữ vững truyền thống của bộ môn Giải tích do các thế hệ đàn anh gây dựng và vun đắp, thế hệ trẻ của bộ môn đang ngày đêm miệt mài học tập và nghiên cứu , một số thông tin ngắn gọn sau đây có thể cho chúng ta một “sự nhìn nhận” rõ hơn và xác định rõ hơn trách nhiệm của chúng ta trong niềm tâm sự đó .
Tóm lược một vài thông tin của thế hệ thứ ba :
- Các hướng nghiên cứu chính : Giải tích hàm , Giải tích phức, Phương trình đạo hàm riêng , Phương trình vi phân thường.
- Số công trình khoa học đã công bố : 71.
- Số NCS và T.S đang làm việc ở nước ngoài : 05.
- Các giáo trình chính đang trực tiếp tham gia giảng dạy : Giải tích hàm , Giải tích phức, Phương trình đạo hàm riêng , Phương trình vi phân thường.
- Các xeminar khoa học đang hoạt động thường xuyên : Các phương pháp giải tích toán học và ứng dung.
Biên soạn: Lược trích từ bài viết của PGS. TS. Trần Huy Hổ